Thách thức đặt ra cho thị trường xuất khẩu gạo cuối năm 2021

Hàng loạt bất lợi gây áp lực cạnh tranh cho xuất khẩu gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dẫn nguồn tin của Reuters, cho biết: Indonesia sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo trong năm 2021 do tồn kho nội địa đủ đáp ứng nhu cầu.

Thông tin từ gappingworld.com, cho biết thêm, cơ quan thu mua thực phẩm quốc gia Bulog (được Indonesia giao quyền thu mua gạo – PV) hiện có 1,39 triệu tấn gạo trong kho, đủ dùng cho các chính sách ổn định giá cho ít nhất 12 tháng. Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch năm 2021 của Indonesia dự báo cao hơn năm 2020, đạt 33 triệu tấn. Bulog thực hiện xả các kho gạo ra thị trường khi giá tăng để kiểm soát lạm phát.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng vừa thực hiện chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 40-50% xuống 35% khiến lợi thế xuất khẩu gạo của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh bị giảm sút, bởi áp dụng mức thuế này, tất cả các nước xuất khẩu gạo sang Philippines đều chung mức thuế suất 35% – là mức thuế suất ưu đãi mà Việt Nam đã được hưởng trước đó.

“Việc giảm thuế này đã tạo thêm lợi thế cho Ấn Độ và Pakistan để các nước này đưa ra mức giá cạnh tranh hơn” – ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), cho biết.

Theo bảng giá niêm yết của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã được điều chỉnh giảm trong tuần này để “chạy đua” với mức giảm của gạo Việt Nam và Thái Lan. Hôm qua (7.7.2021), Pakistan cũng giảm giá gạo xuất khẩu thêm 5 USD/tấn cho cả 2 loại gạo 5% tấm và 25% tấm, bán ra ở mức tương ứng từng loại là 393 và 343 USD/tấn.

Cùng ngày hôm qua, Thái Lan cũng giảm giá gạo xuất khẩu thêm 2 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và giảm 3 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đã liên tiếp được điều chỉnh giảm nhiều đợt, tổng các đợt giảm khoảng 15%.

Ngày 8.7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường quốc tế ở mức 468 USD/tấn; gạo 25% tấm chào bán ở mức 448 USD/tấn. Tuy nhiên, giá gạo của Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất. Trong bối cảnh hiện tại, giá gạo cao đang gây bất lợi cho xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong nước.

Mở lối thoát bằng xuất khẩu gạo phẩm cấp cao

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn, trị giá 1,64 tỉ USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5.2021 giảm trở lại sau 2 tháng tăng liên tiếp.

Xuất khẩu đều giảm ở hầu hết các chủng gạo, nhưng ngược lại, xuất khẩu gạo ST24 và ST25 lại tăng đến 8 lần so với năm trước.

“Gạo ST24 chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, còn gạo ST25 chủ yếu xuất khẩu đi Mỹ” – ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết.

Doanh nhân Phạm Thái Bình – “vua xuất khẩu gạo” cũng khẳng định: Từ lâu tôi đã đề cập đến vấn đề xuất khẩu gạo phẩm cấp cao bởi đây là lợi thế của Việt Nam. Việt Nam cần tập trung vào xuất khẩu gạo chất lượng cao bởi thị trường Mỹ, châu Âu không quan trọng giá, mà rất chú trọng vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong giới hạn cho phép

Nguồn: Laodong.vn