Nông dân muốn trồng lúa, chính quyền muốn đón lũ

Một số nông dân huyện Châu Phú (An Giang) gửi thư cho Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đề xuất được tiếp tục xuống giống lúa thu đông 2021, thay vì xả đón lũ.

Thông lệ hàng năm, An Giang đều có kế hoạch xả lũ trong vụ lúa thu đông theo hình thức 3 năm 8 vụ được luân phiên theo từng địa phương.

Cánh đồng xả lũ ở An Giang năm 2020 mang về phù sa cho đồng ruộng và cả nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cách làm này đa phần nông dân An Giang đều đồng tình và hưởng ứng, cho đất nghỉ ngơi 1 vụ lúa để lấy phù sa, sau bao năm tháng sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm. Đặc biệt, vụ lúa thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang xuống giống trên 160.000 ha, dự kiến xả lũ 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp để lấy phù sa vào ruộng đồng, nhưng còn tùy thuộc vào con nước lũ về nhiều hay ít.

Theo nhiều nông dân canh tác lúa lâu năm ở An Giang nhận định, việc xả lũ hàng năm để lấy phù sa sẽ mang lại nhiều lợi ích ở vụ lúa sau. Cụ thể như: Từng bước cải tạo đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế lúa cỏ, cỏ dại, cắt giảm nguồn dịch hại lưu tồn trên đồng ruộng, giảm ngộ độc hữu cơ, giảm lượng độc chất trong đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm phân bón, thuốc BVTV và tăng hiệu quả sản xuất…

Đặc biệt hơn, những cánh đồng xả lũ còn làm giảm áp lực nước lũ khi con nước cao điểm đầu nguồn sông Mekong đổ về nhằm tránh tình trạng vỡ đê bao ở các khu đang xuống giống lúa thu đông. Bên cạnh đó, việc xả lũ còn giúp các loài thủy sản dồi dào như cá, tôm cua… phát triển, từ đó tạo thêm công ăn việc làm giúp cư dân vùng lũ có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc đánh bắt thủy sản.

Vụ lúa thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang dự kiến xả lũ 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp để lấy phù sa vào ruộng đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích, việc xả lũ lấy phù sa lại ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa thu đông, vì xả lũ phải mất 2 – 3 tháng, nông dân không thể canh tác lúa thu đông được. Trong khi đó dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần tăng cường sản xuất lương thực.

Từ thực tế đó, một số nông dân ở huyện Châu Phú đã gửi thư phản ánh lên Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT nhờ hỗ trợ khó khăn. Nông dân Lê My Sên (tên giấy khai sinh Lê Thành Khoảnh) ở xã Mỹ Đức, Châu Phú, tỉnh An Giang đã phản ánh qua đường dây nóng đến Tổ 970, với nội dung xin được tiếp tục xuống giống lúa thu đông 2021.

Trong thư phản ánh của ông Lê My Sên có nêu: Hiện gia đình ông đang thuê 6 ha đất ở tiểu vùng 2, ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Đức để trồng lúa. Hiện chính quyền xã không cho ông sạ lúa thu đông, lý do nằm trong kế hoạch để xả lũ lấy phù sa vào đồng ruộng. Chủ trương này ông Sên và các hộ trồng lúa lớn trong vùng chưa được UBND xã bàn bạc, chưa có sự thống nhất.

Ông Sên cho rằng, phần đất ông anh tác là nằm vùng trong đê bao, diện tích 6km2. Trong khi đó các ấp khác như ở ấp Mỹ Thạnh, thuộc xã Mỹ Đức nông dân lại được xuống giống lúa bình thường nên ông và một ít hộ khác làm lúa gần đó không được xuống giống, buộc để đất hoang là rất lãng phí. Với cách làm đó của địa phương, sẽ không công bằng đối với gia đình ông và một ít nông dân khác.

Nguồn: Nongnghiep.vn