Các tỉnh, thành ĐBSCL đang chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân 2021-2022, với khung lịch thời vụ xuống giống sớm, gieo sạ dứt điểm trong tháng 12/2021.
Năm 2021 là năm thứ 10 liên tiếp ĐBSCL xảy ra lũ nhỏ, mùa nước nổi trên đồng ruộng rất thấp. Điều này tạo thuận lợi cho sản xuất lúa thu đông nhưng nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ cho các vụ lúa tiếp theo.
Vì vậy, các địa phương đã có kế hoạch bố trí lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2021-2022 sớm nhất có thể, nhằm né hạn, mặn xâm nhập khi mùa khô được dự báo đến sớm. Đỉnh mặn được dự báo xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến tháng 3/2022, sớm hơn -trung bình hàng năm từ 1,5-2 tháng.
Theo kế hoạch, toàn vùng ĐBSCL sẽ xuống giống 1,6 triệu ha lúa đông xuân. Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục BVTV(Bộ NN-PTNT) khuyến cáo các địa phương, tùy điều kiện cần bố trí lịch thời vụ xuống giống trong các tháng 10 và 11, trễ lắm trong tháng 12 là phải dứt điểm.
Tại Hậu Giang, vụ lúa đông xuân 2021-2022, tỉnh có kế hoạch gieo sạ 76.500 ha. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch xuống giống tập trung vào 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 24 – 30/11 và đợt 2 từ ngày 22 – 29/12/2021.
Theo bà Giang, để sản xuất vụ lúa đông xuân đạt hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vận động nông dân áp dụng các giải pháp cấy máy, sạ thưa, với lượng lúa giống gieo sạ khuyến cáo từ 80-100 kg/ha. Tập trung ưu tiên nhân rộng áp dụng các gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, IPM… Sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả trong điều kiện giá phân bón tăng cao như hiện nay.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa đông xuân 2021-2022 lớn nhất trong khu vực, với 285.000 ha, sản lượng thu hoạch hơn 2 triệu tấn lúa theo kế hoạch. Đến nay, nông dân đã xuống giống được 4.000 ha, tập trung ở huyện U Minh Thượng, sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước mưa.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, để sản xuất đạt hiệu quả, trước khi lúa hè thu và thu đông 2021. Nhờ đó, diện tích xuống giống lúa theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo đạt khá cao, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ sản xuất.
Kiên Giang có diện tích đất sản xuất lúa trải rộng trên 3 tiểu vùng sinh thái khác nhau, nên theo ông Toàn, tỉnh sẽ bố trí lịch thời vụ linh hoạt, tập trung thành nhiều đợt, nhưng đảm bảo phải dứt điểm trong tháng 12/2021.
Nguồn: Nongnghiep.vn