Tiến trình sinh lý tự nhiên trong bản thân cây lúa sẽ khiến bộ lá đòng dễ bị xuống màu và lão hóa theo thời gian, ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ.
Canh tác lúa luôn đòi hỏi người nông dân phải thật thận trọng khi lựa chọn cho mình những giải pháp cũng như bước đi kỹ thuật phù hợp để vừa tối ưu chi phí vừa đảm bảo về mặt năng suất. Một cánh đồng xanh mướt, đủ số chồi hữu hiệu ở giai đoạn đẻ nhánh hay oằn bông, no chắc tại thời điểm thu hoạch luôn là mục tiêu hướng tới của tất cả bà con.
Ngay từ đầu vụ bà con phải lên cho mình kế hoạch canh tác cụ thể từ chọn giống, chọn mật độ gieo sạ và xử lý giống sao cho phù hợp. Tiếp theo là chăm sóc để cây lúa phát triển tốt và đầy đủ dinh dưỡng nhằm đạt được số chồi hữu hiệu tương ứng trên diện tích.
Cần theo dõi và tìm hướng quản lý trước hàng loạt dịch hại như nấm, khuẩn, côn trùng… Song song đó, bà con cần phải bổ sung dinh dưỡng cũng như các chất bổ trợ phù hợp để cây lúa luôn khỏe mạnh, cho đòng to, bông lớn, hạt sáng và cũng phải đủ cứng cáp để hạn chế đổ ngã.
Trong những năm trở lại đây, nhờ cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nên bà con đã canh tác lúa đạt mức độ 3 vụ/năm. Vấn đề này đã góp phần mang đến lợi ích đời sống cho nông dân vì tăng thêm thu nhập ở vụ lúa thứ ba.
Mặc dù vậy, cũng có không ít rủi ro tiềm ẩn mà bà con phải đối mặt, đó là canh tác liên tục khiến đất không có thời gian nghĩ ngơi và bồi đắp lại chất dinh dưỡng. Từ đó, hầu hết nhu cầu cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa đều phải được cung cấp.
Nhất là khi bước vào giai đoạn nuôi hạt đến thu hoạch thì rễ lúa bắt đầu kém phát triển. Nếu bà con bổ sung dưỡng chất qua gốc thì cây cũng khó chuyển hóa và hấp thu được mà chủ yếu nguồn dinh dưỡng lúc này được cung cấp từ bộ lá đòng. Khi lá đòng khỏe và xanh bền thì phản ứng quang hợp tạo tinh bột mặc nhiên được duy trì.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, bộ lá đòng đóng vai trò rất quan trọng đối với cây lúa và có đến 3 lá tham gia vào quá trình tạo hạt gạo. Nhưng bộ lá đòng thực chất chỉ như một nhà máy và cỗ máy hoạt động chính để tạo được tinh bột lại chính là màu xanh của lá đòng. Bà con nên giữ vững màu xanh của lá đòng cho đến khi thu hoạch để những hạt trong cùng không bị lép.
Tuy nhiên, tiến trình sinh lý tự nhiên trong bản thân cây lúa sẽ khiến bộ lá đòng dễ bị xuống màu và lão hóa theo thời gian, ảnh hưởng lớn đến quá trình tạo năng suất cuối vụ. Do đó, việc tìm và sử dụng sản phẩm bổ trợ nhằm kéo dài tuổi thọ lá đòng là điều rất cần làm.
Nhưng bà con phải thận trọng, vì nếu chọn phải các loại phân bón lá hoặc thuốc kích thích sinh trưởng không rõ nguồn gốc với thành phần chính là đạm thì không những chẳng mang đến lợi ích gì cho lúa mà còn khiến lá đòng bị hư hại, sâu bệnh thừa cơ hội tấn công, năng suất thì sụt giảm nặng nề bởi hạt bọng nước, no nóc, no giả…
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết thêm: Đôi khi bà con dùng các loại phân bón, do là một loại muối nên khi dùng sẽ làm tăng khả năng hút nước của hạt lúa, mà khi hạt hút nước nhiều thì theo tiến trình tự nhiên sau một thời gian nước trong hạt sẽ thoát hơi đi, gây ra hiện tượng hạt teo tóp, nứt gãy.
Thế nên trong canh tác, bà con cần hết sức sáng suốt để lựa chọn những chế phẩm sinh học hoặc chất điều hòa sinh trưởng thực vật có khả năng làm tăng tuổi thọ và duy trì màu xanh của bộ lá đòng để làm tăng lượng đường bột, tăng năng suất thật sự cho cây trồng.
Nguồn: Nongnghiep.vn