Tăng cường bảo vệ vụ Đông Xuân an toàn, hiệu quả

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở các tỉnh phía Bắc trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 trời âm u, mưa vừa đến mưa to, nhiệt độ hạ thấp là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trong thời gian lúa trỗ rộ; mưa cũng gây khó khăn trong việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng, làm giảm hiệu quả của thuốc. Để bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông Xuân từ nay đến cuối vụ, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra và các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng thực hiện một số nội dung sau:

Các cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật bố trí lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa, kiểm tra đồng ruộng nắm chắc diễn biến của sinh vật gây hại trên đồng ruộng để chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống kịp thời, đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng sinh vật gây hại có khả năng bùng phát thành dịch tại từng vùng, cụ thể:

– Bệnh đạo ôn cổ bông: Nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng khi lúa trỗ vào cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5/2021 là rất cao (chủ yếu trên lúa chính vụ, lúa muộn). Các địa phương còn diện tích lúa chưa trỗ cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo phun phòng bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu khi lúa trỗ 3-5%, đặc biệt trên các giống nhiễm bệnh nặng và những ruộng lúa đã bị bệnh đạo ôn lá gây hại nặng. Trường hợp áp lực bệnh cao (thời tiết thuận lợi, nguồn bệnh cao) có thể phun lần 2 khi lúa đã trỗ hoàn toàn.

– Sâu cuốn lá nhỏ: Tập trung phun trừ sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa Xuân chính vụ – muộn nơi mật độ cao.

– Rầy nâu, rầy lưng trắng: Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo chính xác các đợt rầy, chỉ đạo phun trừ kịp thời khi rầy tuổi nhỏ, đặc biệt vào cuối vụ khi lúa giai đoạn chắc xanh – đỏ đuôi. Đối với những diện tích lúa sau trỗ có mật độ rầy 2 cao trên 3.000 con/m2 trở lên cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi để phun trừ.

– Khuyến cáo nông dân hạn chế bón đạm, đặc biệt là không bón phân ở giai đoạn lúa đòng – trỗ để hạn chế bệnh bạc lá phát sinh, gây hại.

– Điều tra, giám sát chặt chẽ diễn biến của sâu đục thân 2 chấm trên các trà lúa để chỉ đạo phun trừ kịp thời nơi có mật độ ổ trứng cao.

– Đối với các sinh vật gây hại khác: Chủ động phòng chống sâu keo mùa thu hại trên ngô Hè Thu, châu chấu tre, bệnh khảm lá sắn theo các quy trình, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành, chỉ đạo.

Sở Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và các đối tượng sinh vật gây hại chính tại các khu vực cụ thể để nông dân biết và chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

Các cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật cấp tỉnh thực hiện thông báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng hàng tuần theo quy định; báo cáo ngay, trực tiếp với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ thực vùng phụ trách địa bàn khi có tình huống phát sinh vượt thẩm quyền hoặc khả năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bám sát địa bàn cơ sở theo dõi sát diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại chính trên các cây trồng để khoanh vùng các diện tích có nguy cơ bị thiệt hại nặng và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Thực hiện thông báo sinh vật gây hại trên cây trồng theo quy định, báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật khi có tình huống phát sinh để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn